Không gian mở trong nhà ở và văn phòng
Có thể tạm hiểu một căn phòng khi đóng kín tất cả các cửa lại được gọi là một không gian đóng. Ngược lại, nếu căn phòng này có thể nối tiếp, thông với không gian xung quanh về giao thông, về môi trường, về tầm nhìn trên diện tích rộng thì được gọi không gian mở.
Không gian xung quanh ở đây có thể là không gian bên ngoài nhà nhưng cũng có thể là không gian của những phòng lân cận. Không gian mở hay đóng trước đây phụ thuộc vào khí hậu. Ở xứ lạnh, để giữ nhiệt các không gian nội thất thường đóng kín, cách biệt với không gian bên ngoài nhà, phần kết nối với bên ngoài thường chỉ là một sảnh nhỏ. Trong khi đó ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng bức buộc phải mở không gian bên trong ra bên ngoài để trao đổi không khí, lấy gió...
Khi kiến trúc bước qua giai đoạn hiện đại, đã xuất hiện trào lưu áp dụng hình thức không gian mở từ kiến trúc nhiệt đới vào bên trong không gian nội thất của mình, mở ở đây là giữa các không gian bên trong với nhau. Ví dụ, trong nhà ở các không gian phòng khách, phòng ăn, bếp, phòng sinh hoạt trước đây là những không gian riêng biệt - ngăn cách nhau bằng các bức vách kín mít - giờ được xóa bỏ để kết hợp nhiều phòng nhỏ hẹp với nhau thành một không gian lớn hơn, đa dạng về không gian hình khối hơn. Ngăn cách giữa các không gian bây giờ chỉ là những tủ, kệ, những bình phong nhẹ, quầy bar thấp để người sử dụng vẫn cảm nhận được từng không gian riêng biệt nhưng tầm nhìn thì xuyên suốt qua các không gian này.
Từ sự phát triển của không gian mở trong nhà ở đã dần lan rộng qua không gian công cộng khác như văn phòng, nhà hàng, khách sạn... Với văn phòng, các không gian riêng biệt của từng bộ phận trước đây đã dần được sát nhập lại thành một không gian chung rộng hơn. Ngoại trừ các trưởng bộ phận vẫn có không gian riêng biệt, còn lại toàn bộ nhân viên của nhiều bộ phận có thể cùng làm việc trong một không gian chung rộng lớn.
Đối với khách sạn, không gian chung như sảnh, nhà hàng, bar, lounge... đang theo xu hướng kết nối không gian với nhau. Ngay cả đối với phòng ngủ, nơi đòi hỏi những không gian riêng biệt khác nhau thì hiện nay cũng đã bắt đầu có chiều hướng mở. Ngay bên trong mỗi phòng ngủ không gian giường ngủ và phòng vệ sinh cũng đang theo xu hướng liên thông với nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, chi phí về diện tích ở, diện tích làm việc, sinh hoạt ngày một cao đòi hỏi càng tiết kiệm diện tích sử dụng thì không gian mở đã đóng vai trò rất quan trọng. Khi thu hẹp diện tích các phòng trong nhà ở, cảm giác chật chội của người sử dụng sẽ tăng lên, như vậy nếu áp dụng không gian mở, cảm giác này sẽ giảm xuống nhờ các không gian riêng trước đây được chia sẻ chung trong không gian rộng hơn, tầm nhìn không bị hạn chế bởi các vách ngăn trước đây nữa khiến người sử dụng có cảm giác rộng rãi hơn dù đang sống trong không gian hẹp. Chính vì vậy, những giải pháp mặt bằng các căn hộ chung cư hiện nay hầu hết đều thiết kế theo không gian mở.
Không gian mở còn giúp cho nội thất thêm phong phú. Khi kết hợp nhiều phòng riêng biệt với nhau sẽ tạo ra một không gian nội thất mới lạ hơn. Không gian ở không còn là những phòng kín với bốn bức vách mà là một không gian đa dạng hơn, độc đáo hơn, nhiều cảm xúc hơn.
Từ một không gian lớn với nhiều chức năng khác nhau như vậy sẽ giúp các thành viên trong gia đình gần lại với nhau hơn vì mọi người đều có không gian sinh hoạt dù khác nhau nhưng vẫn sử dụng không gian chung này. Giao tiếp trong nhà vì vậy cũng được cải thiện theo hướng tích cực. Ngoài ra, khách đến nhà sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành viên khác trong gia đình, từ đó góp phần làm tăng sự giao tiếp trong toàn xã hội.
Đối với khu vực công cộng cũng vậy, không gian chung tạo cơ hội cho mọi người gặp gỡ giao tiếp nhau nhiều hơn. Riêng đối với không gian văn phòng thì không gian mở còn giúp nâng cao tính hiệu quả. So sánh giữa diện tích một văn phòng theo kiểu cũ tách biệt từng phòng ban và một văn phòng theo không gian mở thì diện tích sử dụng tiết kiệm được có thể đến 20%. Số diện tích tiết kiệm này sẽ kéo theo một loạt những tiết kiệm khác như chi phí thuê mặt bằng, chi phí trang trí nội thất, chi phí tiêu thụ năng lượng (chiếu sáng, điều hòa không khí...), chi phí bảo hành bảo trì...
Với không gian mở, các bộ phận trong một văn phòng không còn tách biệt nữa. Điều này sẽ giúp các nhân viên ở các bộ phận khác nhau có điều kiện làm việc chung, tiếp xúc với nhau nhiều hơn, thúc đẩy sự giao tiếp trong cộng đồng.
“Ngăn cách giữa các không gian bây giờ chỉ là những tủ, kệ, những bình phong nhẹ, những quầy bar thấp để người sử dụng vẫn cảm nhận được từng không gian riêng biệt nhưng tầm nhìn thì xuyên suốt qua các không gian này.”
Tất nhiên, không gian mở cũng có những nhược điểm của nó. Khi áp dụng không gian mở thì tính riêng biệt sẽ bị giảm. Người sử dụng phải chấp nhận hạn chế bớt không gian riêng tư để hòa nhập vào không gian chung cùng với mọi người. Trong nhà ở, người ngồi ở không gian sinh hoạt hay chỗ ăn, bếp phải chấp nhận chia sẻ không gian, tầm nhìn với khách đến chơi ngồi ở phòng khách. Ở văn phòng, nhân viên làm việc bộ phận này chấp nhận chia sẻ không gian, tiếng ồn với nhân viên của nhiều bộ phận khác do ngồi chung trong một không gian lớn.
Giải pháp trung hòa cho không gian mở và đóng là một không gian mở đa năng mà trong đó vai trò của các loại vách ngăn nhẹ trang trí, cơ động là rất cần thiết. Trong đó, có thể kể đến một số phương án tối ưu như:
- Vách ngăn thấp (system partition) là loại vách giúp ngăn chia các không gian nhỏ riêng biệt trong một không gian chung rộng lớn. Với vách ngăn này thường áp dụng trong không gian văn phòng mở, giúp người làm việc có được một chút riêng tư khi ngồi tập trung làm việc, chiều cao vách đủ che khuất người đối diện hoặc bên cạnh nhưng không quá cao để khi đứng mọi người có thể nhìn thấy nhau, trao đổi với nhau trong công việc hoặc nhìn xuyên suốt cả không gian văn phòng. Văn ngăn thấp đã tạo nên bước chuyển biến lớn trong thiết kế nội thất văn phòng tại các cao ốc. Gọn nhẹ, dễ tháo lắp vào tận dụng lại, cũng như đa dạng về màu sắc, kiểu dáng cùng với ưu điểm nổi bật mà chưa có loại vách ngăn nào thay thế được là kết nối các đường ống điện, điện thoại, data... bên trong.
- Bình phong - kiểu vách ngăn “ảo” cổ điển được sử dụng khá nhiều trong các căn hộ, khách sạn và một số phòng lãnh đạo các công ty. Việc chọn lựa kiểu dáng, màu sắc phù hợp sẽ tạo nên một chi tiết trang trí tinh tế và đảm bảo tính riêng tư nhất định cho không gian được phân chia. Bình phong có thể giúp ngăn không gian phòng khách và phòng ăn một cách nhẹ nhàng không che khuất quá nhiều nhưng đủ để người nhà ngồi ăn tự nhiên mà không e ngại khi khách đến chơi. Khi cần bình phong có thể dời đi dễ dàng để tao một không gian lớn hơn
- Quầy bar, kệ ly, tủ rượu... thường dùng để ngăn chia khu vực bếp trong không gian mở của nhà ở. Chủ nhân có thể sử dụng thời gian chuẩn bị bữa ăn gia đình để thực hiện nhiều việc khác như xem ti vi, trò chuyện cùng gia đình, trông con... Quầy bar giúp che bớt những vật dụng không đẹp của bếp nhưng vẫn cho phép người làm bếp giao tiếp với các sinh hoạt khác trong nhà. Quầy Bar giúp tách biệt không gian Bếp và phòng ăn nhưng vẫn tạo cảm giác rộng thoáng, giúp người làm bếp vẫn có thể sinh hoạt chung với các không gian khác.
- Vách ngăn trang trí như gỗ, MFC, MDF, mica, kính... trên các bàn làm việc, hoặc vách phân chia các khu vực. Dù không có sự tiện dụng cho hệ thống kỹ thuật, nhưng chi phí thấp, tính thẩm mỹ cao và dễ thiết kế là giải pháp không tồi cho những công trình văn phòng. Ngoài ra, các vách ngăn này cũng rất hữu ích ở những không gian nhỏ hẹp của căn hộ, khách sạn. Với khả năng xử lý đa dạng trên những vật liệu này, chúng ngoài tính năng phân chia không gian, còn là những mảng trang trí độc đáo và có điểm nhấn trong thiết kế.
- Kệ trang trí là hình thức ngăn nhẹ để phân chia các không gian nhỏ trong không gian lớn nhưng không làm giảm cảm giác rộng rãi của không gian chung. Ở văn phòng, những kệ này có thể được tận dụng trưng bày sản phẩm của công ty, trưng bày cúp, bằng khen, những tấm ảnh có ý nghĩa nhằm nâng cao niềm tự hào cho nhân viên, gia tăng tinh thần tập thể... Kệ trang trí trong nhà là nơi trưng bày những kỷ vật, hình ảnh lưu niệm của gia đình, đồng thời là điểm nhấn cho cả gian phòng.
- Vách kính: Dễ dàng nhận thấy vật liệu cao cấp này ở rất nhiều các kiến trúc khác nhau. Ngày nay, vách kính với nhiều mẫu thiết kế đa dạng đã được dùng để chia nhỏ không gian. Yếu tố trong suốt mà vẫn có thể cách âm tốt khiến không gian dù được ngăn chia nhưng vẫn rộng rãi đối với tầm nhìn. Sự sang trọng mà vách kính mang lại luôn tạo được ấn tượng trong các công trình. Vách ngăn kính còn giúp cho không gian bên trong công trình hòa với không gian thiên nhiên ngoài trời nhưng vẫn đảm bảo điều kiện tốt nhất bên trong (điều hòa nhiệt độ, không bị ảnh hưởng bởi mưa, khói bụi, tiếng ồn...).
- Vách ngăn di động, vách đa năng: Nhu cầu một phòng hội nghị lớn và nhiều phòng họp nhỏ cùng trong một diện tích đã được giải quyết khi xuất hiện các loại vách ngăn di động. Ngoài ưu điểm dễ vận chuyển và thay đổi không gian theo thiết kế cố định, vách ngăn di động còn có thể cách âm và được trang trí bằng nhiều loại vât liệu nhẹ khác trên bề mặt, giúp các KTS không bị gò bó trong quá trình sáng tạo của mình.
Trong tất cả những giải pháp trung hòa, đòi hỏi không chỉ nhận thức của người thiết kế mà còn cần đến sự thay đổi nhận thức của người sử dụng. Trong không gian mở, sự riêng tư không còn nhiều, tính tập thể được phát huy cao nhất, con người sinh hoạt, làm việc trong không gian mở phải thể hiện sự thích nghi để hòa nhập vào một môi trường tập thể. Trong không gian đó, khoảng cách giữa các cá nhân được thu hẹp đáng kể. Vì vậy, tất cả hành động và suy nghĩ đểu phải hướng đến cộng đồng chứ không vì bản thân mỗi người.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, không gian nội thất cũng luôn biến đổi theo. Khi chuyển đổi sang không gian mở, đã có một sự biến đổi lớn từ cấu trúc, thiết kế đến vật liệu sử dụng. Từ một không gian dư thừa, hiệu quả thấp với nhiều diện tích phụ chuyển sang không gian gọn nhưng hiệu quả cao. Không gian mở đã ngày càng khẳng định tính hợp lý của mình trong nền kinh tế thị trường và đóng góp giá trị của nó vào lĩnh vực nghệ thuật. Và bắt đầu từ sự thay đổi ý thức, thay đổi yêu cầu của những người chủ, các nhà thiết kế nội thất đã có chỗ vung tay để một ngày không xa ngành thiết kế nội thất Việt Nam sẽ bắt kịp các xu hướng nội thất đương đại trên thế giới.
1 nhận xét:
Cám ơn vì thông tin bổ ích!
Mình cũng làm Cổng xếp nhưng ỏ Khu vực miền Trung. Rất vui được hợp tác
Đăng nhận xét